Review Ngày xưa có một chuyện tình – Nguyễn Nhật Ánh


Mình đến với ” Ngày xưa có một chuyện tình” ngay từ hồi đầu khi nó mới được ra mắt. Đối với mình những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh luôn mang lại cảm giác thoải mái và dễ chịu cho mình. Bằng lối hành văn rất tự nhiên, giản dị nó đã thu hút mình không thể bỏ qua bất kì tác phẩm nào của ông. Và tác phẩm này cũng vậy.

” Ngày xưa có một chuyện tình”  vẫn là thứ văn chương giản dị, gần gũi với những câu văn nhẹ nhàng, ngắn gọn, vẫn là cái vòng tròn mà tác giả tự vẽ và chỉ đi trong đó, đi trong thế giới của mình.

Với sức hút trong giọng văn của Nguyễn Nhật Ánh, ông vẫn tiếp tục giữ được phong độ sau hơn 3 thập niên sáng tác, chinh phục hàng triệu độc giả, dù chỉ với những câu chuyện về tuổi học trò quen thuộc.

Có lẽ sau khi đã biết được rất nhiều thứ phức tạp, xô bồ chốn đô thị hay lòng dạ thăm thẳm, đen tối của con người, đọc văn của Nguyễn Nhật Ánh ta như được sống lại những năm tháng hồn nhiên, trong sáng tuổi học trò.

Có lẽ đến một độ tuổi nào đó, người ta thích có xu hướng tìm về những thứ giản dị, những thứ đẹp đẽ của khu vườn tuổi thơ, của những suy nghĩ trong lành chưa bị vẫn đục bởi những toan tính, của những cái tốt, sự cao thượng mà không cần hàm ơn.

Review Ngày xưa có một chuyện tình
Review Ngày xưa có một chuyện tình

Vinh, Miền và Phúc, ba nhân vật thay nhau kể cho ta nghe về một câu chuyện tình cảm rất đẹp giữa họ. Vinh mến người con gái tên Miền, nhưng cô gái tuổi ngây thơ ấy lại bị mê hoặc bởi Phúc – bạn thân của Vinh. Đến khi cậu chàng tên Phúc biết được, cậu ấy lại ngẩn ngơ tương tư và câu chuyện bắt đầu.

“Mày đánh tao đi” Phúc lôi Vinh ra

“Vì sao”

“Vì tao biết người mà Miền thích rồi”

“Không phải là tao, đúng không”

….

“Là mày?”

….

“Mày không có lỗi gì hết. Lỗi tại tình yêu.”

Câu chuyện tình yêu của Miền và Phúc bắt đầu như thế, hiển nhiên ta có thể hình dung ra việc Vinh ở giữa không hề dễ dàng gì. Nhưng cuộc đời luôn có cái giá của nó. Vinh không nhận được tình cảm của Miền thuở ban đầu, và Phúc thì không thể ở bên Miền nửa về sau. Âu cũng là số phận trêu ngươi.

Mô típ yêu người mình yêu và lấy người yêu mình, sự lựa chọn quen thuộc của các cô gái. Nhưng với 3 nhân vật này, có thể nói là hoàn cảnh không thể tội nghiệp hơn giữa họ.

Suýt nữa ” Ngày xưa có một chuyện tình”  đã được nhà xuất bản gắn mác 18+ khi ở giữa câu chuyện có một tình tiết gọi là “ăn cơm trước kẻng”. Đó là sự việc xảy ra trước khi Phúc biến mất. Để tạo sự tò mò và cũng để cuốn hút hơn, giai đoạn nhân vật này ra đi, tác giả chỉ tập trung để cho Vinh và Miền thay nhau kể câu chuyện giữa họ.

So với bao nhiêu chàng trai tốt bụng và lịch thiệp khác vốn không được cô gái nhân vật chính yêu thương như trong những cuốn truyện ngôn tình quen thuộc, Vinh may mắn hơn khi cuối cùng cũng cưới được Miền. Thế nhưng tình yêu ấy đến khi có hôn nhân chỉ là tình cảm một phía. Anh đóng vai nhân vật Hộ trong Tác phẩm Đời Thừa của nhà văn Nam Cao, thu nhận mẹ con Miền về và làm đám cưới, một là vì tình yêu trong anh với Miền chưa bao giờ ngừng cạn, một là bởi vì tình thương. Có lẽ là tình thương sẽ lớn hơn. Không nhiều người con trai có thể làm được điều đó nếu ở trong hoàn cảnh của Vinh.

Nhưng rồi càng ngày, cách hành xử của Vinh càng khiến mình thấy cảm phục. Trên đời được mấy ai có tình yêu như thế, cao thượng và hy sinh vì người mình yêu nhiều đến như thế? Hết lần này đến lần khác, người chịu tổn thương vẫn là Vinh. Suốt bao nhiêu năm trời, Vinh đều hết lòng yêu thương Miền, bỏ lại sau lưng quá khứ lầm lỗi của Miền để được ở bên. Vậy mà Miền có ý định rời bỏ Vinh để kiếm hạnh phúc riêng. Dù biết là Miền có nỗi khổ riêng, nhưng nếu bỏ Vinh để ở bên Phúc thì thật quá đáng. Vinh không đáng bị đối xử tàn nhẫn như thế. Giống như Miền đã nói: “Cuộc đời tôi giống như một quả táo bị sâu, trong khi tình yêu Vinh dành cho tôi không một tì vết”.

Xem thêm nhiều hơn nữa

Đọc xong truyện, mình nhận ra cuộc sống là hàng chuỗi các mâu thuẫn. Rằng con người  thật tham lam, đặc biệt là chuyện tình cảm. Nhưng tình cảm là thứ không thể chi phối được, ai cũng muốn được hạnh phúc, con người ta chỉ làm theo bản năng để tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của người này đôi khi chính là đau khổ của người kia. Chẳng một ai có được hạnh phúc vẹn toàn mà không nhận lấy khổ đau hoặc khiến người khác khổ đau.

Vốn dĩ ” Ngày xưa có một chuyện tình” sẽ rất nhẹ nhàng, như một tản văn của người Nhật, nhưng với tác giả tài hoa này, câu chuyện đã trở nên kịch tính và lôi cuốn hơn rất nhiều. Một cuốn sách rất đáng đọc với những người đã, đang và sẽ sống trong hạnh phúc với tình yêu của đời mình.

Comments

comments