Đôi lời sau khi đọc xong cuốn “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của thầy Thích Nhất Hạnh


Cuộc đời vốn là vô thường, sự mất mát trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Trong cuộc sống, chúng ta trải qua niềm vui và nỗi buồn, sự hồi hộp và sự mất mát. Mỗi ngày lướt tin tức, chúng ta thấy đầy những tin đau buồn như người thân ra đi, tai nạn, những nạn nhân chết chóc do chiến tranh gây ra. Những hình ảnh đó ấy gợi cho mình những cảm xúc sâu sắc và chúng khiến mình phải ghi lại những cảm xúc sau khi hoàn thành việc đọc xong cuốn “Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi” của thầy Thích Nhất Hạnh.

Hẳn trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, không ít thì nhiều cũng đều gặp phải hoàn cảnh lìa xa người thân, cảm giác đó thật sự rất buồn và đôi khi khiến ta mất phương hướng trong cuộc sống của bản thân. Mình cũng là một trong số đó. Trong một thời gian dài, mình cũng gặp phải tình trạng đó và cảm thấy thật sự tuyệt vọng, chán nản bản thân.

Và rồi một lần lang thang trên phố đi bộ, có gì đó thôi thúc mình bước vào hiệu sách và tự chọn cho mình cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”. Và rồi cuốn sách này đã đem đến cho mình một cái nhìn mới về cuộc sống và cái chết, và như một cái phao cứu sinh với cuộc đời mình trong lúc khó khăn nhất. Với người mới bước vào con đường giác ngộ như mình, cuốn sách này thật đáng quý, đáng trân trọng. Nó mở ra cho mình cách nhìn về quá trình sinh ra và kết thúc cuộc sống, và cho mình biết về quy luật tất yếu của sự sống: có sinh ắt có tử.

Theo tác giả, thầy Thích Nhất Hạnh, con người sinh ra và phải chấp nhận khi sự kết thúc cuộc sống đến với mình. Mình tự hỏi liệu quá trình sinh ra và mất đi có phải chỉ là sự biểu hiện hay là duyên số? Nếu chúng ta có duyên, chúng ta được sinh ra và sống trong thế giới này với những người thân yêu. Nhưng nếu chúng ta không còn duyên nữa, chúng ta sẽ ra đi mãi mãi.

Trong cuộc sống, rất nhiều người sợ cái chết. Tuy nhiên, cái chết không đồng nghĩa với việc mất đi tất cả. Đó chỉ là một quy luật của tự nhiên. Thân thể của chúng ta là những hình thức tạm bợ, chỉ mang tính chất tạm thời. Thân thể chỉ là công cụ để chúng ta học hỏi và trải nghiệm trong cuộc sống, để sau khi chết đi, chúng ta trở thành hư vô. Điều đó bởi vì chúng ta đã tồn tại từ trước khi sinh ra, chúng ta đã có sẵn từ ban đầu. Chúng ta tồn tại trong cha mẹ và hiện thân trong cuộc sống. Nếu chúng ta đến đúng thời điểm, chúng ta sẽ có một hình dạng cụ thể và tồn tại trong cuộc sống.

Hãy nhìn lại bản thân khi bạn còn nhỏ và so sánh với bản thân hiện tại. Hãy đặt cho mình một câu hỏi: Bạn và người trong ảnh có giống nhau không? Bạn và người trong ảnh có cùng hướng suy nghĩ không? Thật ra, chúng ta không giống nhau, nhưng cũng không khác biệt, vì chúng ta vẫn là chính chúng ta, nhưng đồng thời cũng không phải là chính chúng ta… Điều này có thể khó hiểu, nhưng nó thể hiện sự mâu thuẫn tồn tại trong chúng ta, phải không?

Mỗi người trong chúng ta đều có nguồn gốc và luôn kết nối với tổ tiên, ông bà thông qua diện mạo, nụ cười, lời nói và quan trọng hơn cả, chúng ta có cùng một dòng máu, từ những tế bào trong cơ thể được thừa hưởng từ cha mẹ. Chúng ta luôn kết nối với nhau. Ngay cả sau khi chúng ta mất đi, chúng ta vẫn tiếp tục tồn tại và tồn tại trong vũ trụ, trong hậu thế và trong con cháu của chúng ta trong nhiều đời sau này.

Cuộc sống và cái chết là một chuỗi không thể tách rời. Chúng ta không thể đánh giá cuộc sống chỉ dựa trên những thăng trầm và thành công tạm thời. Thay vào đó, chúng ta cần nhìn vào mục đích và ý nghĩa sâu xa của sự sống, để định hình cho chúng ta một tư duy đúng đắn và nhìn nhận mọi thứ với lòng biết ơn thiết tha. Cuộc sống không chỉ đơn thuần là tồn tại và sống qua từng ngày, mà còn là một cơ hội để chúng ta khám phá bản thân, phát triển tâm hồn, và thể hiện tình yêu thương và sự đồng cảm đối với những người xung quanh.

Comments

comments


Like it? Share with your friends!

-1