“Kẻ tầm xương” xứng đáng là một trong những cái tên tiêu biểu để nhắc đến như một minh chứng cho câu hỏi ‘truyện trinh thám là gì?’ bên cạnh tác phẩm kinh điển của thời đại – Sherlock Holmes.
Truyện trinh thám là gì? Là câu chuyện đầy li kì giữa những nhà trinh sát, những cảnh sát hay những người thực thi công lý với kẻ địch – nhóm tội phạm khiến cho cuộc sống của người dân đảo điên và nhiễu loạn. Truyện trinh thám đang ngày từng ngày trở nên phổ biến và có được một lượng fan trung thành cũng ngày một lớn mạnh. Phải nói rằng, truyện trinh thám luôn có sức hút đặc biệt khiến cho khán giả một khi đã lún vào thì khó có thể thoát khỏi chiếc “hố” của sự tò mò và thích thú. Dẫu vậy, không phải tác phẩm nào cũng có thể để lại ấn tượng hay gây được tiếng vang, nhất là khi khán giả của dòng truyện này luôn đòi hỏi một sự logic trong mọi tình tiết của truyện. Và Jeffery Deaver đã làm được điều đó – với “Kẻ tầm xương”.
Lincoln Rhyme – cựu Giám đốc pháp y Sở cảnh sát New York, nhà hình sự học nổi tiếng với khả năng xây dựng hồ sơ hoàn hảo về kẻ giết người. Mọi thứ với anh ta dường như đều hoàn hảo. Nhưng không, trong một cuộc truy bắt tội phạm, anh ta đã gặp tai nạn và bị liệt toàn thân, phải sống bám vào hệ thống máy móc. Mục đích và lí tưởng sống bị sụp đổ trong nháy mắt, cả sự nghiệp lẫn cuộc sống gia đình đều bị hủy hoại, Rhyme muốn tìm đến cái chết. Cuộc gặp với bác sĩ William Berger – đại diện của Hội Bến Mê – nhóm ủng hộ chết tự nguyện không đau đớn đã diễn ra. Thế rồi, đồng nghiệp cũ của Rhyme – Lon Sellitto ghé qua, thuyết phục Rhyme cùng tham gia tìm kẻ giết người được gọi với cái tên ‘nghi phạm 823’. Trước sự thuyết phục của người đồng nghiệp, cùng với tình yêu nghề chưa bao giờ nguôi ngoai và ngọn lửa quyết tâm tìm ra những kẻ ác luôn bùng cháy đã kích thích Rhyme nhập cuộc.
Cùng với Rhyme còn có Amelia Sachs – nữ cảnh sát tuần tra thông minh, xinh đẹp nhưng có phần cứng đầu. Cô được Rhyme lựa chọn làm trợ thủ hỗ trợ cho cuộc điều tra của mình. Mối quan hệ của Sachs và Rhyme được xây dựng vô cùng phù hợp với bối cảnh, chẳng vậy còn tăng thêm sự gay cấn và hồi hộp, tò mò cho người đọc. Sachs là đôi mắt, đôi tai, đôi tay, đôi chân của Rhyme, cả hai cùng nhau lần tìm những dấu vết của kẻ giết người, với chung một suy nghĩ phải đưa hắn ra chịu sự trừng phạt.
Câu chuyện tiếp diễn với manh mối bất ngờ – cuốn sách ‘Tội phạm ở New York xưa’ cùng với “huyền thoại” James Scheider – kẻ đem đến nỗi kinh hoàng bao phủ trùm khắp New York vào đầu thế kỷ. Hắn giữ lại xương cốt của nạn nhân sau khi giết chết họ, bởi hắn cho rằng, máu và thịt rồi sẽ nát tan, chỉ có xương cốt mới là thành phần tinh túy tồn tại vĩnh cửu và đây chính là cách để hắn mang lại sự giản thoát cho những kẻ xấu số chết dưới tay hắn.
‘Nghi phạm 823’ có lẽ chính là “truyền nhân” của James Schneider, thậm chí còn điên loạn hơn. Hắn giả trang thành tài xế taxi để bắt cóc nạn nhân rồi thực hiện hàng loạt các hành vi tàn bạo với họ. Các cách thức sát hại và hành hạ khiến cho người đọc phải rợn người bởi độ tàn ác của chúng: chôn sống, lóc da trong phòng xông hơi dưới áp suất cao, để mặc nạn nhân cho chuột đói cắn xé, thả chó điên dồn đuổi nạn nhân để hắn trở thành khán giả thích thú chứng kiến màn kịch hay ho từ nỗi kinh hoàng của họ.
“Kẻ Tầm Xương” không tập trung quá nhiều vào các cảnh rùng rợn của hiện trường vụ án mà đi vào xây dựng những trường đoạn đầy căng thẳng thách thức trí não của cả nhân vật trong truyện lẫn ngoài đời. Những chi tiết ẩn giấu sau những manh mối mà phải sử dụng một khối óc tinh nhạy cùng với sự kết nối đầy logic giữa các mảnh ghép ấy mới có thể tạo ra một bức tranh phạm tội hoàn hảo của kẻ ác.
Hiếm có được tác phẩm trinh thám nào viết về điều tra hiện trường đầy chi tiết và khoa học như “Kẻ tầm xương”. Ngay từ cách đặt tên truyện – kẻ tầm xương (tên gốc: The Bone Collector) ám chỉ một tên tội phạm với những suy nghĩ và sở thích điên cuồng, hay cách xây dựng tuyến nhân vật đặc sắc đã cho thấy tài hoa của tác giả người Mỹ J.Deaver. Lincoln Rhyme hiện lên vô cùng đặc biệt – chẳng phải một gã thám tử trinh sát chạy đông chạy tây với cá tính quái đản – mà hiện lên là một người bại liệt tứ chi. Chính bởi những khiếm khuyết này mà Rhyme lại càng gây ấn tượng mạnh mẽ với bộ não suy luận hơn người, cách anh ta phá án trên giường bệnh với sự hỗ trợ của những cánh tay đầy đắc lực như Sachs lại càng thêm khiến người ta phải trầm trồ khen ngợi. Không hề phí lời khi nói rằng Lincoln Rhyme là nhân tài của dòng trinh thám điều tra, và rằng Jeffery Deaver một lần nữa không làm khán giả phải thất vọng. Không hời hợt tô vẽ một tình tiết đầy ghê rợn rồi đơn giản là đi vào phá án, thi thoảng đan xen vài tình tiết hack não, J.Deaver thông qua Rhyme xuyên suốt quá trình phá án còn đem đến cho người đọc khối kiến thức khổng lồ về địa lí, lịch sử….của New York.
“Kẻ Tầm Xương” đem lại cảm giác gay cấn ngay từ những trang đầu tiên. Lối kể chuyện đậm chất Jeffery Deaver – xen kẽ đường đi nước bước của Rhyme song song với đó là của tên hung thủ trong bóng tối để từ đó tạo nên cuộc đấu trí đầy căng thẳng và kịch tính. Biệt tài của Jeffery Deaver là đánh lừa người đọc, và lần này cũng vậy. Cho tới tận phút cuối, khi hung thủ lộ diện ta mới ố á đầy ngạc nhiên bởi trong suốt tiến trình câu chuyện, hẳn ta đã bị vị tác giả này lừa cho một cú đầy ngoạn mục.
Cốt truyện gay cấn, tình tiết logic, nhân vật xây dựng chắc chắn và đan xen một vài yếu tố tình cảm để cân bằng…Tất cả giúp cho “Kẻ Tầm Xương” có thể tự hào hãnh diện mà đứng cạnh với bức tường thành Sherlock Holmes trong dòng truyện trinh thám. Sau khi đọc “Kẻ tầm xương”, đối với câu hỏi truyện trinh thám là gì, tôi đã có câu trả lời! “Ồ, bạn muốn biết về truyện trinh thám ư? Hãy thử đọc “Kẻ tầm xương” của Jeffery Deaver đi, chắc chắn bạn sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình thôi, cũng như tôi vậy!”
==> Đọc thêm để hiểu rõ truyện trinh thám là gì, truyện trinh thám hay, truyện trinh thám kinh điển tại: http://sachvanhoc.vn/review-trang-lanh-truyen-trinh-tham-my-hay-nhat-cua-jeffery-deaver/